Em đến trường, tay cầm cuốn vở, gió thổi đời em, lật từng trang mở….
(Hãy trân trọng thầy cô giáo tốt…)
Vào mùa hè năm ngoái mình có một cuộc trò chuyện rất thú vị với một bạn có con 6 tuổi sắp vào học lớp một, bạn kể cho mình nghe vài chuyện vui buồn lẫn lộn khi tìm trường cho con.
Hôm rồi bạn gửi tin nhắn, kể chuyện đi học vui vẻ của con, bạn bảo, “đúng như chị nói, là thể chế / tổ chức, cơ ngơi của trường học cũng quan trọng nhưng không thể nào quan trọng bằng người giáo viên trực tiếp dạy con mình. Em đã từ bỏ mấy trường xịn để tìm cô giáo ở trường gần nhà em.
Và con em may mắn có cô giáo rất hiền, tử tế, yêu thương học trò, và cũng có năng khiếu sư phạm nữa nên từ một đứa khóc lóc, khổ sở suốt hai năm mẫu giáo ở VN, giờ thằng cu đi học vui vẻ, thoải mái, hè còn hay kêu nhớ cô nhớ cô cơ chị ạ “….
Năm ngoái mình có nói với bạn ấy, là mình cũng công nhận có một số giáo viên không / chưa xứng đáng làm giáo viên. Nhưng một xã hội để đến mức mà người người chửi bới ngành giáo dục, người người coi thường giáo viên… thì là xã hội đầy nguy cơ tan vỡ về đạo đức rồi.
Và mình thì vẫn luôn nghĩ rằng, nhân tố con người là nhân tố quan trọng nhất trong ngành giáo dục. Ví dụ như mình, hồi xưa đi học nhà trường là thế nào mình không nhớ rõ nữa, nhưng những gì mà các thầy cô giáo mình yêu quý dạy mình thì mình cứ nhớ mãi, nhớ hoài không thôi.
Vì vậy mình đã khuyên bạn ấy vào các diễn đàn để hỏi han, xem thầy cô nào tốt, thì xin học cho con ở đó, chứ đừng chỉ nhằm vào những trường có cơ sở vật chất xịn, rồi nổi tiếng nọ kia…
Mình sống ở xa, không hiểu được rõ ngọn ngành, nhưng cũng biết một phần về những sự biến chất, thoái hoá nọ kia của ngành giáo dục và của xã hội trong những năm gần đây.
Nhưng mình luôn nghĩ, khi chúng ta sống trong một đất nước mà hệ thống càng có lỗi, thì cha mẹ càng không được phép buông xuôi. Có hai điều quan trọng cha mẹ luôn có thể làm được và cần làm trong mọi thời đại, đó là giáo dục con trong gia đình và trân trọng những người giáo viên tốt.
**************
Một người giáo viên giỏi, tốt, yêu thương trẻ con / con người, mong muốn làm tốt nghề của mình, có thể thay đổi được cả tình yêu học hành, thậm chí là đường đời của một đứa trẻ, một sinh viên, một người lớn… chắc các bạn đều đồng tình với mình nhỉ ?
Cách đây vài năm, mình xem chương trình trò chuyện của một số người tài giỏi, nổi tiếng ở bên này, có hai trong số 4 người hôm đó kể chuyện cuộc đời họ thay đổi từ hướng đang là một đứa thiếu niên hư sang thành người tử tế, rồi chăm chỉ học hành, làm việc, rồi thành người nổi tiếng, nhờ đã gặp được thầy/ cô giáo tốt, biết trân trọng sự tử tế nhỏ nhoi còn lại trong con người thiếu niên hư hỏng của họ…
Nhớ hồi con mình còn bé, trước khi con đến trường mẫu giáo, tụi mình có nhờ được một cô sinh viên trường sư phạm nhà trẻ, mẫu giáo đến trông / dạy con giúp vào các buổi sáng.
Cô chỉ đến được có chừng 5-6 tháng gì đó thôi, nhưng tình yêu thương, sự tận tâm của cô ấy với con mình thì còn đọng lại mãi. Trời ơi, nhìn cách cô yêu thương một đứa học trò, chăm sóc, dạy dỗ, tìm cách thích ứng với nó… mà yêu quý cô thật nhiều.
Sau này cô trở thành người bạn thân thiết của gia đình, ngoài tình bạn thì gia đình mình vẫn luôn giành cho cô một sự trân trọng rất riêng.
Hồi học mẫu giáo nhỡ, Luti yêu cô giáo lắm. Cô là một người có nhiều kinh nghiệm dạy dỗ, rèn luyện tụi trẻ con… cô luôn thấu hiểu, cảm thông với từng đứa nhỏ trong lớp.
Hồi đó con mình rất kén ăn, cô nói mình trong những ngày đầu, con có thể mang một hộp nhỏ thức ăn đến trường, cô cất ở một góc rồi nếu thức ăn buổi trưa không hợp thì cô sẽ lấy cho con ăn. Luti đặc biệt sợ món canh cá biển ở trường, thì cô nói mình có thể mang một lọ ruốc nhỏ đến để đó, hôm nào ăn canh cá thì cô sẽ lấy ruốc cho Luti ăn.
Con mình là đứa được nuôi dạy tự do, mình xin cô hãy để Luti làm các hoạt động vẽ, hoặc làm thủ công ở lớp theo suy nghĩ, ý muốn của Luti, gia đình không yêu cầu kết quả đẹp, hoàn hảo… cô cũng đồng ý, để Luti được sáng tạo tự do như ý muốn, đến cuối năm học, cô vẫn để tranh, đồ học của Luti được treo triển lãm cùng với các bạn.
Con mình giỏi về vận động tinh, kém về vận động thô, mình kể cho cô biết, và thế là cô rất chú ý phát huy sở trường của Luti trong lớp học, và nhờ các bạn khác giỏi về vận động thô giúp đỡ bạn Luti …
Cứ như vậy, cô biết điểm mạnh, điểm yếu của từng đứa nhỏ trong lớp để xếp nhóm, xếp bạn này giúp đỡ bạn kia, để nhắc nhở, rèn cho các con…
Cô luôn xoa đầu âu yếm từng đứa trước khi được cha mẹ đón vào buổi chiều,…
Cô cũng sẵn sàng bỏ ra mươi, mười lăm phút để trò chuyện với cha mẹ về cách dạy con, về những gì cô làm ở lớp học của con…
Yêu quý cô đến nỗi, mà vào cái ngày được lên lớp mẫu giáo lớn, Luti xị mặt buồn suốt cả buổi, về nhà bà nội chúc mừng, Luti đã ôm lấy bà khóc nức nở, xin bà, xin ba mẹ tới trường xin cho con được đúp lớp, vì con không muốn xa cô Đ đâu, con muốn học ở lớp C chứ không muốn lên lớp D hu hu.
Phải mất bao nhiêu buổi, Luti mới tạm chấp nhận học với cô trên lớp D, nhưng lòng thì vẫn hướng về cô Đ lớp C, và mỗi buổi học xong, đều lượn xuống thăm cô Đ một tý trước khi rời trường…
Giờ con mình đã lớn, nhưng mỗi lần nhắc tới những bước chân đầu tiên, những kỉ niệm đầu tiên trong con đường học tập của con, cả nhà đều vẫn vui và cảm động và thấy ấm áp trong lòng….
**********
Mình mà là người làm trường học ở VN (đã có lúc mình có dự định này rồi đó các bạn ạ). Mình sẽ luôn trân trọng các thầy cô giáo, nhân viên trong trường, để sao cho họ sống được bằng nghề, và có đủ độ thư thái, tĩnh tâm, thấy được giá trị của bản thân, mà yêu nghề, yêu trẻ con, yêu những gì họ làm hàng ngày với những đứa trẻ.
Có lần được một cô là phóng viên ở báo phụ nữ kể cho mình nghe chuyện về một bà hiệu trưởng trường tư thục ở Sài Gòn, rằng vào mỗi cuối tháng, bà luôn trân trọng mời từng giáo viên đến phòng hiệu trưởng, trò chuyện, cám ơn, hỏi han về những yêu cầu, nguyện vọng, những gì làm họ vui, những gì làm họ chưa hài lòng… ở trường để cùng nhau sửa chữa… rồi cuối cùng là trân trọng đưa bằng hai tay phong bì chứa tiền lương tháng đó của giáo viên… mình thích lắm, rồi mình cứ nghĩ, sao những điều đơn giản như thế mà có ít người lãnh đạo làm được nhỉ ?
Cũng đã có lần, được nghe tâm sự buồn, thất vọng của một cô giáo trẻ, khi cô kể về những ứng xử thiếu tôn trọng đối với giáo viên của lãnh đạo của một trường tư thục ở Hn. Và cô ấy đã bỏ trường, rồi bỏ nghề mà cô rất yêu, sau một lần bị phụ trách trường gọi lên mắng té tát vì cô mặc một cái váy ngắn đến trường dạy học,…
Cô ấy bảo, em cứ nghĩ là người làm về giáo dục thì phải có nhiều văn hoá, cư xử chuẩn mực lắm, hoá ra em nhầm…giá mà hôm đó, chị ấy gọi em ra để nhắc nhở nhẹ nhàng thì em đâu có giận, có buồn, em mới hơn 20 tuổi, em có thể sai trong chuyện chọn trang phục, nhưng em sẵn sàng sửa lỗi mà chị, chị ấy đâu có cần hạ nhục em trước vài đồng nghiệp như thế đâu….
Cách đây vài tháng, mình cũng nhận được thư tâm sự của một cô giáo mẫu giáo bỏ nghề… Cô ấy kể, em bỏ nghề, vì em thấy nghề này hoá ra quá bạc bẽo, hôm nào trẻ con ăn uống tốt, ngoan, vui vẻ, thì cha mẹ cám ơn rối rít, chị hiệu trưởng vui cười, hôm nào chẳng may em bé đó khó ăn, khóc lóc mè nheo, hoặc mệt mỏi, tóc tai bù xù tý, là tụi em bị cha mẹ làm khó, hỏi han vặn vẹo lung tung, rồi chị hiệu trưởng cũng vặn vẹo, dạy dỗ, rồi còn doạ trừ lương… Em kém, em không chịu được áp lực, thế là em bỏ nghề rồi chị ạ, em buồn lắm chị ơi….
Hôm qua lại nhận được thư chia sẻ của một bạn giáo viên nữa đang chuẩn bị bỏ nghề, mình mới thấy, trong xã hội ta, việc trân trọng người giáo viên, đối với một số người hoá ra cũng khó phết nhỉ ?
**********
Dù thế nào, cũng luôn mong các giáo viên tốt đừng nản lòng, xã hội luôn cần các anh các chị…và rất nhiều người vẫn đang rất trân trọng các anh chị…
(Câu thơ mở đầu không có liên quan gì mấy đến điều mình muốn nói, nhưng mà ngày tựu trường nào mình cũng nhớ đến nên chép lại đó thôi )
(Ảnh của các bạn ở diễn đàn chia sẻ tình thương chụp trong một chuyến thăm trường vùng cao)
About Article Author
Similar Articles
4 SỰ THẬT KINH HOÀNG VỀ BỆNH PHỤ KHOA kHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT
4 SỰ THẬT KINH HOÀNG VỀ BỆNH PHỤ KHOA kHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT 1: 90% nam nữ đều mắc
Mãi ko có bằng lái xe máy nên đi làm cũng lọc cọc xe đạp riêng
Mãi ko có bằng lái xe máy nên đi làm cũng lọc cọc xe đạp riêng . Chúc bạn bè
Là series ảnh tôi chụp được ngoài đường
Là series ảnh tôi chụp được ngoài đường, trong lúc đi làm hoặc đi chơi mà tình cờ gặp được
Những điều bạn nên biết về viên bổ mắt
Ai trong chúng ta cũng nhận biết được tầm quan trọng của đôi mắt đối với bản thân mình song
Làm sao để lựa chọn bàn ghế làm việc văn phòng ưng ý?
Thiết kế không gian sao cho đẹp mắt và ưng ý nhất là điều mà bất cứ một nhà thiết
Bạn hay quên cho bé bổ sung Vitamin D
Bạn hay quên cho bé bổ sung Vitamin D? Vitamin D3 Uvedose – 1 Liều cho 3 tháng 100000 UI