SƠN MÀI
MỘT NGHỆ THUẬT TUYỆT VỜI
Sơn mài là một nghề thủ công lại là một nghệ thuật, một nghệ thuật khá cao, đậm đà tính dân tộc, có tiếng vang xa thế giới. Tranh sơn mài, lọ hoa sơn mài, bìa anbom sơn mài, bàn cờ sơn mài, hộp nữ trang sơn mài, bàn ghế sơn mài…, đấy là những món hàng quý giá mà khách nước ngoài, dù phải tốn “bao nhiêu của, mấy ngày đường” cũng tìm mua cho được. Tác giả của những thứ quý giá đó, là những người thợ thủ công Việt Nam đang miệt mài sản xuất ở biết bao cơ sở sơn mài khắp trong Nam ngoài Bắc. Người thợ sơn mài ngày nay đang gắng sức giữ cho trường tồn một cái “nghề tổ” đã xuất hiện trên đất nước này từ trước khi Chúa Gia-tô giáng thế. Ta cứ bâng khuâng tự hỏi: những người thợ sơn nào đã phủ sơn đen sơn vàng lên chiếc mái chèo và những chiếc cán giáo tùy táng trong ngôi mộ cổ Việt Khê (Hải Phòng) từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Những người thợ sơn nào đã để lại những đồ dùng của nghề sơn, như chiếc mỏ vầy (để quấy sơn) trong ngôi mộ cổ (khoảng hai, ba thế kỷ trước Công nguyên) tìm thấy ở Kim Bảng (Hà Nam cũ). Những người thợ sơn nào đã sơn những cỗ kiệu lộng lẫy vàng son ở phường Tàng Kiếm (Thăng Long) mà Nguyễn Trãi đã ghi trong “Dư địa chí”. Những người thợ sơn nào đã tạo ra “những đồ gỗ sơn son thiếp vàng, những đồ gỗ sơn (như bàn, ghế…) không thua kém nước nào” xuất khẩu ra nước ngoài vào thế kỷ 17, và được lái buôn phương Tây tên là Đampiê trầm trồ khen ngợi trong cuốn sách “Một chuyến đi đàng Ngoài” của ông ta, xuất bản năm 1688?
Chiếc mái chèo ở Việt Khê, chiếc mỏ vầy ở Kim Bảng là những chứng tích của tổ tiên xa xưa để lại, nói với ta rằng: vào cuối đời Hùng Vương, nghề sơn đã là một nghề thành thục của dân ta. Nếu như vậy thì cây sơn hẳn đã có mặt trên những quả đồi của đất tổ Hùng Vương từ thời thẳm xa ấy.
Sơn mài là một nghề thủ công lại là một nghệ thuật. Tôi muốn nói nghệ thuật vẽ tranh sơn mài. Ít có nghề nào mà người nghệ sĩ và người thợ thủ công “keo sơn gắn bó” với nhau chặt chẽ như nghề này. Trong số các bạn họa sĩ của tôi, anh Lê Quốc Lộc là một người bạn thân đã lâu năm. Những lần đến thăm anh, tôi thường gặp ở nhà anh những lão nghệ nhân sơn mài đã trở thành bạn cố tri với lão họa sĩ.
Làm tranh sơn mài như Lê Quốc Lộc không những là công việc lao động trí óc mà còn là công việc lao động chân tay. Trong lĩnh vực này, lao động trí óc mệt nhọc đã đành, nhưng lao động chân tay cũng không nhẹ nhàng gì. Ngay từ khi còn là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, anh đã “cặp kè” với một người thợ sơn trứ danh tên là Đinh Văn Thành quê ở làng Hạ Thái, một làng có nghề tổ. Anh học ở bác Thành từ ngọn nguồn nghề sơn đến những công việc cụ thể của người thợ sơn: đánh sơn, pha sơn và nhiều khâu tỉ mỉ trong việc làm thành tấm “vóc” cho tranh. Có Vóc mới có nền để vẽ tranh cũng như có đất mới có nền để xây nhà được. Thế là bàn tay họa sĩ kiêm cả bàn tay người thợ. Cho nên họa sĩ họ Lê có thể nói chuyện khá tinh tường về phần việc thủ công của nghề làm sơn mài. Cũng như những nghệ nhân sơn mài có thể nói chuyện khá tinh tường về nghệ thuật hội họa. Nghệ sĩ và nghệ nhân học lẫn nhau là thế. Cái chất dân gian trong cảm xúc nghệ thuật của Lê Quốc Lộc có lẽ cũng bắt nguồn từ sự gắn bó với những nghệ nhân tiêu biểu cho nghệ thuật dân gian. Anh nói đúng: “Nghệ thuật nào cũng bắt nguồn từ nghệ thuật dân gian. Trong bầu trời nghệ thuật dân gian nảy ra những ngôi sao sáng”.
“Từ thời Phục hưng, các họa sĩ phương Tây luôn luôn băn khoăn về việc tìm chất để thế hiện… Ngoài sơn dầu, người ta đã dùng đá, đồng, sứ, cả thủy tinh, sắt thép nữa để khảm, để ghép, để gắn thành tranh. Có người đã trộn cát vào sơn dầu để tạo ra một chất mới. Họa sĩ Việt Nam kế thừa một nghề cũ của ông cha, đã tạo ra một chất mới độc đáo: chất sơn mài. Sơn mài với màu đen sâu thẳm, màu sơn chói lọi, màu vàng màu bạc lộng lẫy, tạo nên hòa sắc kỳ ảo, giúp cho ngôn ngữ của cảm xúc nghệ thuật thêm nhiều khả năng diễn tả. Mà ngôn ngữ của cảm xúc nghệ thuật thì không thể cứ sao chép tự nhiên, không thể tự nhiên chủ nghĩa. Trong cảnh tự nhiên thì trời xanh mây trắng đã đành, nhưng trong tranh sơn mài có khi trời đen, trời đỏ mà vẫn rất thực, rất gợi cảm”. Nghe họa sĩ Lê Quốc Lộc nói, tôi lại nhớ tới đại ý một câu nói của nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nadim Hichmet: “Trong thực tế, không có con ngựa nào màu xanh, nhưng vẽ ngựa, có lúc phải vẽ ngựa xanh mới đúng được cảm hứng”. Nghệ thuật dân gian ta cũng không tự nhiên chủ nghĩa, không dừng chân ở sự sao chép tự nhiên. Đấy, thử xem con lợn màu tím, lại có khoáy “âm dương” trong tranh dân gian. Và con gà có cánh có đuôi giống như cánh phượng, đuôi phượng.
Vẽ tranh sơn mài có nhiều cái khó. Rất thực mà rất ảo, rất ảo mà rất thực. Họa sĩ lại phải có sức tưởng tượng nhạy bén để lường trước hiệu quả của đường nét, hình khối, màu sắc khi chúng còn ẩn dưới những lớp sơn phủ chứa màu. Vẽ sơn dầu thì thấy ngay hiệu quả vì nó lộ ngay ở nhỡn tiền. Vẽ sơn mài thì phải nén lòng chờ đợi. Có khi một bức sơn mài phải làm đến ba tháng mới xong. Giờ phút sung sướng nhất của họa sĩ là lần mài cuối cùng, kết thúc việc xây dựng tác phẩm. Họa sĩ giội nước vào bức tranh như tắm gội cho nó. Dưới hòn đá mài đã mòn, loang loáng trong nước, màu sắc lung linh của bức tranh lộ ra như một sự xuất hiện kỳ lạ. Họa sĩ là người đầu tiên xúc động trước sự sáng tạo của chính mình. Dù “có lúc sờ đến mấy ngón tay mài thì đầu ngón tay đã rớm máu, da đã chun lại vì cầm đá quá lâu, nước lại sũng vào” như Nguyễn Văn Tỵ đã tả trong một bài viết của anh thì vẫn vui mà quên hết vất vả.
Năm 1958, Triển lãm nghệ thuật tạo hình đầu tiên của các nước xã hội chủ nghĩa được tổ chức ở Mátxcơva. Việt Nam tham gia triển lãm với tranh khắc gỗ, tranh ký họa và đặc biệt là tranh sơn mài. Trước ngày khai mạc, lúc ta dỡ hòm tranh ra để chuẩn bị trưng bày, đã có những người tò mò tìm đến. Từ những chiếc hòm độn rơm và giấy lót, những bức tranh còn bụi bặm chưa kịp lên khung, được đưa ra ánh sáng, đã bừng lên một vẻ khác thường trước mắt người xem. Nhiều phóng viên nước ngoài bị thu hút mạnh. Người ta không tiếc lời khen. Nào “hay”, nào “lạ”, nào “tuyệt”! Trong cuốn sách xuất bản ở Liên Xô năm 1959 giới thiệu tranh Việt Nam dự triển lãm Mátxcơva có đoạn viết:
“ …Sơn mài, với những cách diễn tả hết sức chọn lọc và quý giá, có nhiều khả năng dùng cho những sáng tác quy mô bao quát. Trong nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam, luôn luôn hướng về những đề tài rộng lớn, sơn mài trở thành hình thức diễn tả chủ yếu, không phải là ngẫu nhiên. Khán giả Xô viết rất quý những tác phẩm như “Nhớ một chiều Tây Bắc” của Phan Kế An, “Thôn Vĩnh Mốc” của Huỳnh Văn Thuận, “Kéo pháo” của Dương Hướng Minh, “Đón giao thừa” của Lê Quốc Lộc, “Bình minh trên nông trang” của Nguyễn Đức Nùng, “Hành quân đêm” của Nguyễn Hiêm, “Tổ đổi công cấy lúa” của Hoàng Tích Chu và nhiều bức khác.
Khi đi dự triển lãm ở Liên Xô, Lê Quốc Lộc mang theo tác phẩm của mình, của các bạn đồng nghiệp, và cũng không quên mang theo mấy mảnh sơn mài mẫu, kết quả thí nghiệm thành công của anh và nghệ nhân Đinh Văn Thành. Với những mảnh sơn mài ấy, anh đã đi chu du nhiều nước khác, và sau khi nghe anh thuyết trình về sơn mài, người ta đã sờ mó, ngắm nghía những mảnh bảo vật thần kỳ ấy, không biết chán. Có những nước vốn có một nền hội họa nổi tiếng lâu đời cũng được thuyết phục về nghệ thuật tranh sơn mài của ta và xin “nhập môn” vào nghệ thuật độc đáo này.
TRẦN LÊ VĂN
ĐỖ THIÊN THƯ st.(bút hiệu của Dịch giả VŨ ANH TUẤN)
About Article Author
Similar Articles
Bài ngợi ca quê hương của nhạc sĩ Thanh Sơn với nồi niêu xong chảo xô chậu và đàn bầu
Bài ngợi ca quê hương của nhạc sĩ Thanh Sơn với nồi niêu xong chảo xô chậu và đàn
Nhanh tay sở hữu bộ ba sản phẩm chiết xuất từ trà xanh đến từ đảo Jeju xinh đẹp của #Innisfree để làm mát mùa hè nào
Nhanh tay sở hữu bộ ba sản phẩm chiết xuất từ trà xanh đến từ đảo Jeju xinh đẹp của
Hiện tại nhà mình còn vị trí cho thuê
Hiện tại nhà mình còn vị trí cho thuê, 2 mặt tiền nằm trên trục đường chính A4 giao với
Gia Lai: Bổ nhiệm con gái Bí thư huyện làm Phó phòng sai quy trình
Gia Lai: Bổ nhiệm con gái Bí thư huyện làm Phó phòng sai quy trình authorLê Kiến Thứ Năm, ngày
Kinh nghiệm bán áo mưa cao cấp cho khách hàng
Áo mưa là một vật bất li thân đối với con người hiện nay tại vì áo mưa giúp bạn
Chỉ với 20k là bạn đã có thể “lột xác” làn da trắng nõn nà từ đầu đến chân như các hotgirl xứ sở chùa Vàng nhờ công thức gia truyền gói gọn trong Xà Phòng Kích Trắng Cám Gạo Thái Lan
Chỉ với 20k là bạn đã có thể “lột xác” làn da trắng nõn nà từ đầu đến chân như